MỘT TÙ BINH MỸ Ở VIỆT NAM (1…5)

bia_tubinhmyovn

Nhà xuất bản Xuân Thu
P.O. Box 97
Los Alamitos – CA90720
In lần thứ nhất tháng 2/1990

(Đánh máy: Lê Thy)

1

Đã lâu lắm rồi, James Fisher chẳng còn ý thức nổi không gian và thời gian nữa. Chàng sống như một tội đồ thời tiền sử. Hang động giam nhốt chàng là những conex, những cachots. James Fisher chưa biết địa ngục vì chàng chưa chết. Nhưng nếu địa ngục giống hệt sự tưởng tượng của tôn giáo, của tiểu thuyết, của điện ảnh, địa ngục ấy tầm thường, thiếu hẳn niềm hiu quạnh soi mòn tái tê xương thịt và nỗi cô đơn nhỏ giọt lạnh buốt linh hồn. Nơi chốn chàng đang hiện hữu, đang thoi thóp, đang hôn mê không phải địa ngục của Diêm vương, của quỷ sứ phán xét và trừng trị xác chết khi nó làm người gian ác trên trần thế. Mà là cõi âm u bóng tối của những con người say mê thù hận và khai thác tận cùng hình phạt của thù hận để truy nã tư tưởng người khác và đe dọa nó từng phút, từng giây. Nơi chốn đó, thân phận con người không tìm ra định nghĩa và chỉ cần một khoảnh khắc tuyệt vọng, con người sẽ bị hủy diệt nhục nhã.

James Fisher không hiểu tại sao chàng sa xuống cái đầm đời oan nghiệt này. Phi vụ đầu tiên của chàng thảm bại. Pháo đài B52 chưa kịp trải thảm bom tàn phá Hà Nội, đã bị trúng Sam 6. James Fisher, phải nhẩy khỏi B52. Khi dù bung ra, mắt chàng hoa lên vì lửa hỏa tiễn phòng không, lửa đạn không chiến đan nhau ngang dọc đầy đặc bầu trời. Trái tim chàng muốn ngưng đập. Chàng tưởng chừng các mạch máu đóng băng. James Fisher nhắm mắt, phó thác số mệnh cho Thượng đế. Chàng quên cả cầu nguyện. Gió đẩy dù của chàng xa dần vùng lửa đạn. James Fisher rơi trên cánh đồng ngoại ô thành phố. Chàng thoát cuộc chết nhanh nhưng khởi sự cuộc sống mòn. Những họng súng vây quanh chàng, nhắm đầu chàng, ngực chàng, bắt chàng đứng dậy. Người ta kéo giật tay chàng về phía sau, trói chặt. James Fisher bị bịt mắt dẫn đi. Chàng không phải là tù binh chiến tranh. Chàng là kẻ thù của ý thức hệ, cái ý thức hệ mà những kẻ trói tay chàng, bịt mắt chàng chỉ là những công cụ ngu đần, tội nghiệp.

Đến lúc trận không chiến chấm dứt, bầu trời trở lại yên tĩnh, người ta cởi miếng vải đen bịt mắt James Fisher ra. Tay vẫn còn bị trói chặt, người ta triển lãm James Fisher trước đám quần chúng phẫn nộ đã đứng sẵn hai bên đường. Cô nữ du kích chắc tay súng dí sát lưng James, ra lệnh cho chàng cúi đầu. Chàng đi giữa những tiếng nguyền rủa và lãnh hàng trăm viên đá thù trút vào thân thể chàng. James Fisher biến thành con quái vật độc ác xứng đáng trừng trị. Trò chơi giáo đầu của ý thức hệ đã khiến chàng sợ hãi khôn cùng. James được đưa tới một nhà tù dưới hầm mà người ta bảo là khách sạn Hilton. Chàng ở khách sạn Hilton không lâu. Sau khi kê khai xong lý lịch, James Fisher bị đưa đến một khách sạn khác. Chàng không còn cơ hội gần gũi những tù nhân Mỹ nữa. James ở một mình. Và vì nhất định khước từ ký tên vào bản tự khai đánh máy sẵn yêu cầu ghi âm, chàng lại bị bịt mắt, trói tay chuyển trại. James không thể định hướng nổi nơi giam nhốt chàng. Chàng chỉ biết chàng đã bị liệng lên xe hơi. Và xe chạy khá lâu trên những đoạn đường gập ghềnh. Chàng bị chuyển trại liên miên. Nơi nào chàng tạm trú cũng rặt bóng tối và bóng tối. Nằm trong bóng tối. Đứng trong bóng tối. Ngồi trong bóng tối. Ăn trong bóng tối. Uống trong bóng tối. Ngủ trong bóng tối. Tiểu tiện, đại tiện trong bóng tối. Chàng mở mắt như chàng nhắm mắt. Tiếng động chàng nghe rõ nhất là tiếng phi cơ vần vũ trên bầu trời. Cho đến khi James Fisher chỉ còn nghe tiếng đập của tim chàng, người ta bịt mắt chàng, dắt chàng ra ánh sáng. Người ta lại cởi mắt chàng. Lần này, James Fisher ngã xỉu. Bóng tối đã đầy đọa chàng và ánh sáng đã chẳng thương xót chàng. James Fisher đành tự nguyện nhắm mắt. Cơ hồ kẻ mù lòa, chàng mơ ước nhìn thấy cuộc đời. Chàng bụm hai bàn tay trước đôi mắt. Chàng hi hí mắt. Ánh sáng lọt qua kẽ hở của những ngón tay. James quen dần ánh sáng. Chàng có thể mở to mắt, buông đôi tay.

Và cuộc đời đó, trong cái quan tài xi măng cốt sắt, trong những quan tài xi măng cốt sắt, cánh cửa thóp với một miếng nhỏ thông hơi. Bất cứ nơi nào James Fisher đến, chàng vẫn là người khách Mỹ sang nhất của những cachots đặc biệt nhất.

James Fisher sinh năm 1946. Chàng là con trai đầu lòng của dân biểu Cộng hòa Allan Fisher, tiểu bang Texas. Tổ tiên James là những người thuộc thế hệ tiên phong chinh phục miền viễn tây Hoa Kỳ. Thời thơ ấu của James trải dài dọc bờ sông Rio Grande. Chàng bị ảnh hưởng của huyền thoại Daniel Boone, Davy Crockett. James yêu cuộc sống thiên nhiên, thích bắn chim rừng, đánh bẫy muông thú. Thần tượng niên thiếu của chàng là Tom Sawyer, Huckleberry Finn. James đã thèm những cuộc phiêu lưu trên sông Mississippi như Huck. Chàng say đắm tình bạn rực rỡ của Tom và Huck. Lớn hơn, James thích văn chương, triết học. Chàng hâm mộ những nhân vật thánh thiện trong một đời sống chan chứa tình người của một số nhà văn Hoa Kỳ và Âu Châu. James ghét bạo động và ghê sợ tội ác. Gia đình chàng theo đạo Thiên Chúa. James cũng ham chuộng kỹ thuật và chàng học cơ khí thay vì học luật giống thân phụ. Có lẽ, James không ưa chính trị. Và, có lẽ, định mệnh đã an bài. Năm 1969, James tốt nghiệp kỷ sư cơ khí hàng không. Năm sau, bị động viên, chàng tình nguyện phục vụ binh chủng không quân và được biệt phái phục vụ trên pháo đài bay B52 căn cứ Utapao bên Thái Lan. Pháo đài bay bị hạ ở phi vụ đầu tiên của chàng. James bị bắt. Người ta không coi chàng như tù binh chiến tranh. Người ta bắt chàng phải nhận tội ác gây chiến tranh. James là người lính. Chàng tham dự chiến tranh. Chàng không bao giờ gây ra chiến tranh cả. Và chàng không ký vào bản tự khai viết sẵn để nhận tội. Chàng vô tội. Hệ lụy bủa kín chàng từ thái độ quyết liệt đó. Chàng chấp nhận hệ lụy. Con người có thể gian dối đủ thứ nhưng không được phép gian dối với chính mình. James bị đầy đọa. Chàng chỉ hiểu chàng bị đầy đọa vì khước từ nhận tội ác gây chiến tranh. Những âm mưu nào khác đe dọa hủy diệt chàng, chàng không biết.

James Fisher bị bịt mắt di chuyển nhiều nơi. Lần di chuyển cuối cùng lâu nhất. Chàng chẳng rõ xe ngược phương Bắc hay xe xuôi phương Nam. Đến bữa ăn trên xe, chàng tính đường dài. Bây giờ, James ở đây, trong cái cachot đặc biệt của cõi không tưởng hay cõi hoang đường nếu chàng được hưởng phép lạ hồi hương kể chuyện tù đầy. Cachot của chàng rập theo một khuôn mẫu. Như chân lý không thay đổi dù ở Liên Xô hay ở Việt Nam, dù phiên dịch chữ Anh hay chữ Pháp, dù nói tiếng Ba Lan hay tiếng Ethiopie. Hình như, những cachots mà James đã trải dài tháng ngày hiu hắt không phải sáng tạo cho người Mỹ. Chàng kiễng chân, đầu chàng đụng trần. Chàng dang tay, tay chưa soải hết đã đụng tường. Chàng phải nằm co vì nằm thẳng, đầu chàng sẽ sát xô phân tiểu. James không muốn trở đầu ngược ra. Chàng sợ gió lùa qua kẽ chân cửa. Ngày hai bữa, người ta đập cửa lớn và mở miếng cửa nhỏ to-hơn-bìa-cuốn-sách-bỏ-túi có chốt cài bên ngoài, đẩy vào hai ca cơm, một ca thức ăn và một ca nước đun sôi. Những ngày đầu tiên, ở khách sạn Hilton, James được ăn bánh mì, được ăn thịt bò rán, được ăn rau tươi, được uống cà phê, hút thuốc lá. Bị nhốt riêng, James phải ăn cơm như bất cứ tù nhân nào. Khẩu phần của James khá hơn song thiếu chất đạm. James cảm giác mình sa sút thê thảm từ khi uống nước canh rau muống, rau cải xanh, củ cải nấu với tôm khô thay thế súp thịt cà rốt, khoai tây. James cố nhớ cái cảm giác đầu tiên ăn cơm tù Việt Nam. Làm sao chàng nhớ nổi? Cảm giác này gối lên cảm giác kia cơ hồ sóng gối lên sóng chập chùng giữa biển cả.

James được phát bốn chiếc ca nhựa và một cái muỗng nhựa. Người ta không cho phép tù nhân sử dụng đồ nhôm, đồ inox, đồ sắt vì sợ tù nhân có thể dùng làm phương tiện giết cai ngục, trốn trại, tự tử. Sau mỗi bữa ăn, James để ca một góc cachot và chuyển ra đổi cơm nước bữa ăn mới. Tiêu chuẩn nước uống của chàng không quá nửa lít một ngày, dù mùa đông hay mùa hạ, mùa thu hay mùa xuân. Cái xô nhựa đặt phía trong cùng, James tiểu tiện, đại tiện vào đó. Cuối tuần, khoảng nửa khuya, người ta mở cachot, dẫn độ chàng ra một chỗ đã quây kín bằng cót, chung quanh hàng chục cai ngục AK lên đạn sẵn sàng bắn. James tắm gội, giặt quần áo, rửa xô phân tiểu. Người ta đưa bộ quần áo mới để chàng thay. Rồi chàng xách xô trở lại cachot hôi hám, tối tăm mà ánh sáng chỉ lọt qua kẽ hở của chân cửa. Ngày tắm gội của James là ngày hạnh phúc của chàng. James được phát xấp giấy-mỏng-đi-cầu và một điếu thuốc lá thơm nội hóa. Người ta chờ James hút. Chàng đã kéo những hơi thuốc đẫy đà và nuốt hết khói. James mơ hồ nghe bước chân của khói thuốc khiêu vũ trong phổi mình. Chàng thấy khói thuốc ngọt ngào và hương thơm của nó kỳ ảo làm ngất ngây hồn chàng. Những gói thuốc chàng đã đốt ở nước Mỹ chả thấm tháp gì với những điếu thuốc ân huệ ở tù ngục. Với so sánh tầm thường đó, James khám phá ra hạnh phúc trong bất hạnh. Chàng để ý và biết rõ, cứ bốn lần tắm, người ta lại cắt tóc chàng trọc lốc. Cái toong đơ đẩy tóc chàng, đẩy luồn râu ria chàng. James khao khát tắm và cắt tóc. Vì chàng được ra ngoài, ngước lên nhìn trời lung linh những vì sao và hít đầy không khí vào buồng phổi. James tận hưởng cái thời gian tuyệt diệu đó. Chàng kéo dài từng phút, từng giây. Để thu thiên nhiên vào cachot mù mịt một tuần.

Người ta cũng phát cho James một manh chiếu và một cái chăn dầy. James được chích đủ các thứ thuốc ngừa bệnh, trừ thuốc ngừa đói khát. Khi chàng đau ốm, bác sĩ chẩn mạch và săn sóc. James chưa hề đau nặng, chưa hề bị sốt rét. Đó là sự may mắn của chàng. Thoạt đầu, chàng còn đếm ngày qua hai bữa ăn, đếm tuần qua một lần tắm, đếm tháng qua một lần cắt tóc, đếm năm qua một “đại tiệc” có thịt bò, bánh mì, rau tươi, cà phê, thuốc lá. Riết rồi, James tê liệt hy vọng và chẳng còn ý thức nổi không gian và thời gian nữa. Niềm sợ hãi nhất của James là sự im lặng. Trừ những lần bị khai lý lịch, bị thẩm vấn chàng được nói, được nghe tiếng mẹ đẻ của chàng. Còn thì chỉ câm lặng. Cai tù đập cửa. Tiếng nói của con người, tiếng nói Việt Nam, chàng thèm nghe ra riết, người ta cũng bủn xỉn. James đã bất chấp tất cả trong niềm sợ hãi đục đẽo tim gan mình. Chàng hò. Chàng hét. Chàng đọc thơ. Chàng hát quốc ca, tình ca. Chàng réo tên ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè, tình nhân cho đỡ nhớ, đỡ quên tiếng nói. Chàng gọi nước Mỹ những lời tha thiết, nồng nàn. Chàng gọi từng tiểu bang, từng thành phố, từng sông hồ, từng sa mạc, từng biên giới, từng rừng đồi, từng vĩ nhân. I left my heart in San Francisco. Tiếng chàng chìm vào hư vô. Oh my darling, oh my darling, oh my darling, Clementine! You’re lost and gone forever… Như thế, James hoảng hốt hơn.

James chợt hiểu. Sự sợ hãi và sự đói khát làm khiếp nhược con người. Để làm gì? Để James sẽ xin được ký vào bản tự khai nhận tội ác chiến tranh. Ánh lửa nhỏ đã soi sáng lương tri của James Fisher. Chàng vụt thức và thấy cần thiết phải chiến đấu với bản thân mình. Cuộc chiến đấu cam go để tồn tại, để xứng đáng làm người đúng ý muốn của Thượng đế. Con người có thể bị hủy diệt nhưng con người không thể quỳ xuống trước những điều kiện làm ô nhục con người. James đã hiểu cơ sự. Chỉ cần chàng nhận tội ác, chàng sẽ được đãi ngộ, sẽ được ăn bánh mì bíp tếch, uống cà phê và uống cả rượu nữa. Khi ấy, con người mất vinh dự làm người. Nó đã mang tội với đồng loại của nó. Nó nhận tội rồi. James Fisher mang huyết thống của những người Mỹ chinh phục miền viễn tây. Tổ tiên chàng đã đau khổ, đã đói khát, đã bị lột da đầu, đã bị căng thây trên mỏm núi, đã chịu đựng nắng sa mạc hoang vu, rét triền non cắt thịt, nhìn nỗi chết thấm dần vào xương tủy. Mà vẫn can đảm tiến bước. Mà vẫn tưới máu tiên phong. Chàng không thể phản bội tiền nhân dũng cảm. Chàng cần vượt lên những cám dỗ của vật chất. James ru ngủ thể xác mình. Con người chỉ đáng tôn vinh khi nó chế ngự nổi mọi thèm khát vào lúc nó khốn cùng nhất, yếu đuối nhất. James khích lệ tâm hồn chàng. Tổ tiên chàng đã bị lột da đầu, chàng mới đang bị lột tư tưởng. Với những kẻ giam nhốt chàng, với chủ nghĩa muốn đánh thấp giá trị làm người của chàng, muốn thủ tiêu phẩm cách của chàng, James cần phải vỗ về bao tử, cần phải quên mọi tiện nghi vật chất nước Mỹ. Chàng đã quên vì chàng nhớ cuộc chiến đấu tìm chỗ đứng dưới mặt trời của tổ tiên, chàng nhớ Jesus và cánh cửa hẹp mà Ngài muốn con người mở để tìm nhìn rõ chân trời lý tưởng. James đã trở nên phi thường. Chàng đã chiến thắng chàng. Chàng đã không để con người chàng bị điều kiện hóa. Chàng đã đứng trên hình phạt của thù hận. James ngạo nghễ hơn lão ngư ông của Hemingway. Bộ xương cá mập chỉ là thành tích của con người chế ngự thiên nhiên. Sự thung dung hiện tại của James Fisher là thành tích của con người chế ngự hình phạt của thù hận, của chủ nghĩa, của ý thức hệ, của con người trong một thời đại lầm than, một thời đại con người đã đi quá xa quê hương tình tự của loài người.

James Fisher, tình cờ, đã ngộ Thích Ca. Thích Ca tình nguyện dấn thân vào nỗi thống khổ. James Fisher chẳng may lạc vào miền thống khổ. Một kẻ giải thoát cho nhân loại trầm luân. Một kẻ tự giải thoát trầm luân cho chính mình và tự soi sáng mình để chiến đấu mà tồn tại. James không còn quan tâm chuyện nhỏ mọn thường hằng. Chàng ăn uống để tồn tại. Chàng ngủ để mơn trớn nỗi cô đơn. Chàng thức để mơ ước. Vậy đó, James Fisher đã trải qua nhiều cachots. Và, bây giờ, James ở đây, ở một nơi chốn như mọi nơi chốn chàng đã ở. Khác chăng là bình minh chàng được nghe muôn sắc chim hót ca ngợi ngày và hoàng hôn chàng được nghe vượn hót nhớ con báo hiệu đêm. James phỏng đoán địa chỉ mới của chàng: Rừng già.

Bất ngờ, một hôm, người ta mở cửa cachot, dẫn chàng lên văn phòng của Giám thị giữa ban ngày.

—> 2

Leave a comment