MỘT NGƯỜI NGA Ở SÀIGÒN: 15…19 (hết)

18

– Cô suy nghĩ kỹ chưa?

– Rồi.

– Cô nhất định không làm Bản tự khai?

– Không những không làm, tôi còn chống lại.

– Tại sao?

– Chỉ có bọn ăn cắp, bọn hèn mọn mới phải tự khai tội lỗi của chúng nó với pháp luật. Tôi có quyền yêu và quyền không khai với bất cứ ai, kể cả cha mẹ tôi, chuyện yêu đương của tôi.

– Cô không tiếc đời cô?

– Tiếc lắm chứ. Nhưng tôi biết lúc nào, ở đâu tôi không tiếc đời mình nữa.

– Dimitri đã khai.

– Tôi đã đọc.

– Anh ta còn khai ghê gớm hơn.

– Tôi sẽ đọc nữa.

– Người ta lục soát phòng của Dimitri, tịch thu mấy cuốn sách của hai tên nhà văn cực phản động.

– Chẳng ăn nhầm gì tới tôi.

– Dimitri phá rối cơ quan và chống đối đồng chí Tổng Lãnh sự Liên xô.

– Ông nói với tôi chuyện ấy làm gĩ?

– Để cô nắm vững vấn đề.

– Tôi thích nắm tay chàng ngố Dimitri thôi.

– Yêu cầu cô nghiêm chỉnh.

– Tôi không thích nghiêm chỉnh.

– Chúng tôi sẽ có thái độ thích nghi.

– Tôi luôn luôn chuẩn bị vào tù. Yêu cầu ông tống tôi vô cáchot gấp, càng sớm càng tốt.

– Cô tính liều mạng?

– Ông lầm. Tôi khoái ngắm thạch thùng tình tự và nhện giăng tơ trong cachot hơn là nhìn ông.

– Cô khiêu khích tôi?

– Tôi gớm ông.

Người công an đập bàn. Ông ta nắm chặt trái đấm giáng xuống mặt bàn:

– Chế độ không cho phép đánh người, nếu không vì chế độ, cô không thể mất dậy với tôi.

Tôi thản nhiên nhả khói thuốc:

– Ông sẽ là anh hùng đánh đàn bà, con gái. Ông sẽ có huân chương, sẽ sang Liên xô tham quan.

Người công an bỏ đi. Ông ta đóng cửa phòng thật mạnh. Một tiếng đồng hồ sau cửa phòng mở. Người công an khác xuất hiện. Tôi chờ cáo già, nó không chấp pháp tôi hôm nay.

– Xin lỗi cô Đào, người ta đã làm phật lòng cô?

– Người nào ? Tôi hỏi.

– Đồng chí của tôi.

– Ầ, đồng chí dũng sĩ ấy hả? Suýt nữa ông ta đấm tôi đấy.

– Làm gì có chuyện đó.

– Có những chuyện không hề có mà vẫn phải có.

– Ta quên những chuyện nhức đầu đi, cô Quỳnh Đào, cô Đào …mả.

Bây giờ tôi mới nhìn thẳng vào mặt người công an biết hỗn danh của tôi. Tôi nhận ra anh ta không khó khăn lắm: Luật sư Đỗ Hữu Cảnh, sinh viên luật năm nào. Anh ta mặc sắc phục công an, đeo lon trung úy. Một mình anh ta giăng lưới tóm gọn nhiều tổ chức phản động của sinh viên, học sinh Sàigòn. Hàng ngàn người vào tù vì Đỗ Hữu Cảnh bí danh Ba Sơn. Tôi cười nửa miệng:

– Trái đất tròn, ông Ba Sơn nhỉ?

– Vâng, trái đất tròn. Tôi và cô lại gặp nhau.

– Anh biết trái đất còn hai đầu hơi dẹt chứ? Tôi một đầu, anh một đầu.

– Nhưng chúng ta vẫn ở Sở công an.

– Kiến thức của anh chỉ có thế nên, đeo lon trung úy là phải.

– Tôi khiêm tốn.

– Đừng bịp, luật sư Cảnh, cái thứ nằm vùng như anh, mai mốt sẽ thành giẻ rách của chế độ.

– Cô Đào mãi mãi khó khăn.

– Tôi tởm bọn nằm vùng. Đó là lũ dán chỉ dám xuất hiện ban đêm. Anh không đủ tư cách làm việc với tôi đâu.

– Tôi không đến đây làm việc.

– Vậy anh đến làm cái giống gì?

– Nói chuyện trường Luật, bạn bè xưa, thầy cũ.

– Giọng anh hôi hám rồi, đừng bắt dĩ vãng hôi hám, tội nghiệp dĩ vãng.

Đỗ Hữu Cảnh nhe răng cười. Tôi rút thuốc châm hút. Mặc kệ tên phản bội nằm vùng nói, tôi lặng thinh nhìn khói thuốc. Không hiểu người ta giam giữ Dimitri ở đâu. Có thể anh bị quản thúc tại Lãnh sự quán Liên xô. Cứ như ông tôi suy diễn, người ta không dám đuổi Dimitri về nước. Tôi còn cơ hội gặp lại Dimitri một lần, dù gặp anh ở Sở công an. Tôi muốn nhìn hoàng hôn, nhìn nỗi chết. Nói đúng hơn, tôi muốn nghe một câu định nghĩa về tình yêu của Dimitri Chostakovitch.

– Cô Đào, cô đừng giả vờ nữa.

– Thứ anh, cần gì phải giả vờ. Cộng sản chỉ có thể ghét tôi chứ không dám khinh tôi. Vì tôi đương đầu, rõ rệt trắng đen. Còn anh, thứ phản phúc, họ ghê tởm anh lắm. Tôi đã nói rồi, anh không đủ tư cách làm việc với tôi đâu.

– Cô ngạo mạn vừa vừa chứ.

– Kể từ lúc này, anh nói anh nghe, dán đêm!

Đỗ Hữu Cảnh ngồi chừng nửa tiếng, lặng lẽ rời khỏi phòng. Tôi chuẩn bị gặp ngườì công an thứ ba. Thủ đoạn thẩm vấn, khai thác của công an, tôi đã quen. Dọa nạt rồi dụ dỗ. Dụ dỗ rồi dọa nạt. Muốn gặp Dimitri cần phải được làm việc với Mai Chí Thọ. Dẫu sao, ông Thọ cũng dễ nói chuyện và đủ thẩm quyền hứa hẹn. Tôi phải lợi dụng công an vì họ đang cần tôi. Họ chưa thể tàn bạo với tôi. Họ mới chỉ đấm mạnh xuống bàn và đưa tên luật sư phản phúc định dìu tôi về trường Luật năm xưa. Tôi cần kiên nhẫn… bướng bỉnh! Kinh nghiệm dạy tôi rằng, hễ hết người làm việc, sẽ đến lượt ông Mai Chí Thọ “mạn đàm”.

Bấy giờ, ông Thọ rất hiền hòa, đóng vai ban phát ân huệ của chế độ.

Người công an thứ ba đã đến.

– Cô theo tôi.

Tôi xách cái túi đan đựng mấy bộ quần áo, khăn mặt, bàn chải, thuốc đánh răng, thuốc cảm cúm, kiết lỵ và thuốc lá rời khỏi phòng chấp pháp. Tôi đi trước, người công an theo sau. Đó là nguyên tắc. Anh ta chỉ dẫn lối rẽ, lối lên lầu.

– Cô dừng lại.

Tôi dừng chân trước một căn phòng đóng kín. Người công an gõ cửa rồi tự ý mở. Hơi lạnh ùa ra mát rượi.

– Cô vào.

Anh ta đóng cửa rất nhẹ nhàng, căn phòng sáng rực ánh điện néon. Một người đàn bà ngồi ở salon đứng dậy, niềm nở mời tôi tới. Bà ta trạc ngoài bốn mưòi, mặt mũi sáng sủa, thông minh, nói tiếng miền Nam, phục sức đơn giản mà vẫn có vẻ sang trọng.

– Ngồi đi, Quỳnh Đào! Bà ta thân mật bảo tôi thế.

– Cám ơn. Tôi nói và ngồi xuống ghế

– Tên tôi là Thanh Tâm. Tôi không phải công an. Chúng ta, đàn bà con gái dễ nói chuyện hơn. Tôi đã ở Ba Lan, Tiệp Khắc và Đông Đức…

Bà Tâm tự giới thiệu vài nét với tôi về bà và chìa tay mời tôi, tỏ bầy sự thân thiện. Tôi đưa tay bắt tay bà ta.

– Rất hân hạnh.

Bà Tâm nhìn cái túi đan căng phồng của tôi.

– Quỳnh Đào mang gì đó?

– Thưa chị, hành lý tù của tôi.

– C’est ridicule! – Bà Tâm cười rộ, nói tiếp. – Tại sao Quỳnh Đào phải lo lắng?

– Tôi lo xa, không lo lắng, chị ạ! Đời sống bây giờ luôn luôn bất ổn.

Bà Tâm mời tôi uống nước trà. “Tôi cũng phục vụ tại Đại sứ quán của ta ở Pháp hai năm”, bà Tâm nói để giải thích câu nói tiếng Pháp của bà ta.

– Tôi biết em nhiều đau khổ. Bà ta gọi tôi bằng em ngọt xớt.

– Nhưng tôi biết chịu đựng. Tôi nói.

– Em rất can đảm.

– Cám ơn chị.

– Em yêu Dimitri Chostakovitch ?

– Vâng.

– Dimitri Chostakovitch yêu em say đắm vô cùng.

– Vậy mà người ta bảo tôi rằng Dimitri làm Bản tự khai coi tôi như thứ giải trí xác thịt.

– Họ thử thách em đó. – Bà Tâm nhìn tôi.- Em có thể hút thuốc, tự nhiên.

Tôi hút thuốc cho bình tĩnh, thật bình tĩnh để đối phó với người đàn bà nguy hiểm này.

– Ôi, tình yêu tuyệt diệu! Bà Tâm ca ngợi tình yêu. Cũng đã nhiều chuyện tình bi thảm và những người yêu nhau đành chấp nhận chia ly, tan tác vì nhau, cho nhau. Đó là tình yêu cao thượng. Em rồi sẽ phải vĩnh biệt Dimitri thôi.

– Tại sao, thưa chị?

– Vì sự nghiệp của chàng.

– Sự nghiệp của chủ nghĩa?

– Phải. Người ta đang kết tội Dimitri điên khùng. Người ta lập luận rằng, chỉ có điên nặng, Dimitri mới yêu em. Một người Liên xô thuần khiết, sinh ra và lớn lên dưới ánh sáng của chủ nghĩa vô sản, được chủ nghĩa tôi luyện và gửi gấm tương lai, không thể, không được phép yêu kẻ thù của chủ nghĩa. Dĩ nhiên, em là kẻ thù mọi mặt của chủ nghĩa, của giai cấp.

Bà Tâm ngưng lại, nhấp ngụm nước trà, buồn bã:

– Chị thuộc thành phần một giai cấp đầu hàng. Ba chị đã đầu hàng. Chị đã đầu hàng. Tât cả đã đầu hàng.

Tôi nhìn khói thuốc bị cuốn hút vào cái máy điều hòa không khí gần đó.

– Chị nghĩ, bà ta nói tiếp, em sẽ phải đầu hàng thôi. Người ta cấm phụ nữ Việt Nam liên hệ tình yêu với người Liên xô. Em thuộc thành phần cấm đoán hàng đầu. Yêu một thanh niên Liên xô là điên, em hiểu chưa? Chế độ sẽ, bằng mọi phương cách, hủy diệt tình yêu sai lệch đó.

– Có thứ tình yêu thẳng tắp hả chị Tâm. Tôi hỏi.

– Đúng, tình yêu giai cấp, tình yêu trong giáo điều hôn nhân của chủ nghĩa. Người vô sản chỉ được yêu người vô sản. Bà Tâm đáp.

– Người da đen chỉ được yêu ngưỡi da đen, người da đỏ chỉ được yêu người da đỏ?

– Vậy đó.

– Da trắng yêu da đen là điên?

– Là ngu, là phản bội.

– Thế thì Dimitri đã điên, tôi đã điên rồi. Và hai người điên cũng bị cấm yêu nhau?

– Phải, nếu hai người điên không cùng chung giai cấp và chủ nghĩa.

– Yêu để điên cũng là hạnh phúc. Thiếu gì kẻ yêu phát điên hoặc điên vì yêu.

– Kỳ cục.

– Hơn cả kỳ cục, đó là kỳ thị kỳ quái!

Bà Tâm cười. Tôi biết bà ta sắp xoáy mạnh vào chuyện của Dimitri và tôi.

– Chị nói con gái Việt Nam không được yêu, được lấy con trai Liên xô phải không?

– Phải.

– Tuyệt đối chứ?

– Tuyệt đối.

– Tại sao con gái Tổng bí thư Lê Duẩn có chồng Liên xô?

– Chị không biết vụ dó.

– Cả nước biết mà?

– Nhưng chị không biết.

Bà Tâm đổi chỗ. Bà ngồi cạnh tôi, đặt tay lên vai tôi.

– Này nhé, em không sợ hãi vì em không sợ mất mát gì cả. Dimitri có nhiều thứ để mất mát: Cha mẹ, các em, tương lai của em Dimitri mới cần thiết. Em là người cao thượng, em biết sống vì người khác.

Tôi mím môi, khinh bạc:

– Chị vuốt ve tự ái của tôi khéo lắm. Rồi, đồng ý, chị muốn tôi phải làm gì?

Đôi mắt bà Tâm sáng rực:

– Em sẽ gặp Dimitri và em sẽ nói với Dimitri rằng em không hề yêu anh ta.

– Thế thôi à?

– Thế thôi, giản dị mà.

– Để làm gì?

– Để Dimitri hết sống ảo tưởng.

– Và để chủ nghĩa soi sáng chân lý: Người vô sản không bao giờ yêu kẻ thù của giai cấp mình!

– Em đã hiểu vấn đề rồi đấy.

Tôi dập điếu thuốc.

– Tôi có thể về chứ?

Bà Tâm hể hả:

– Em về nghỉ ngơi. Mai chúng ta gặp nhau lần chót.

Bà Tâm tiễn tôi ra cửa. Khi qua giữa hành lang, tôi nắm tay bà ta:

– Hãy tạm hiểu chị không phải là công an và hãy tạm hiểu chị rất tốt. Nếu tôi phụ lòng tốt của chị, mong chị thông cảm nhé!

Bà Tâm nheo mắt:

– Nhà thương điên ghê gớm hơn nhà tù. Ở đó, những người không biết sợ đã phải sợ.

Tôi nhắc lại từng tiếng,

– Nhà … thương… điên…

Con sói cái hoàn toàn lột xác. Tôi đâu phải cừu non.

Ngày mai chúng ta sẽ gặp lần chót. Lần chót, nghe não nùng, bi thảm. Trong hoàng hôn và gần kề nỗi chết, được biết một định nghĩa mới về tình yêu thì kể ra cũng thú vị. Tôi hy vọng đinh nghĩa tình yêu của Dimitri sẽ làm ai đó suy nghĩ. Tôi đã đi trên đường hệ lụy, đang đi trên đường hệ lụy và phải đi đến cuối đường hệ lụy. Tôi thèm uống cạn ly mật đắng của Diêm vương.

—> 19

Leave a comment