CỔ NHẠC VÀ CA DAO

CỔ NHẠC VÀ CA DAO

(Trích trong “Vỡ Lòng Ca Dao”)

Một hôm trời chớm vào Thu, những nghệ sĩ cổ nhạc tới thăm tôi. Từ Paris xuống Le Plessis Robinson hơi xa. Từ Việt Nam sang Pháp còn xa hơn. Các nghệ sĩ xuýt xoát tuổi nhau. Có một cô được học bổng của Pháp tuyển lựa, theo học trường Sorbonne, chuẩn bị hai năm tốt nghiệp tiến sĩ cổ nhạc Việt Nam! Cô này, hãng phim 3 B Productions nhờ sáng tác một nhạc khúc cổ điển Việt Nam xen kẽ vào cuốn phim Poussières de vie phóng tác tiểu thuyết La colline de Fanta của tôi, rủ bạn bè ái mộ truyện tuổi thơ của tôi, đến nhà tôi, vừa để trình bầy khúc nhạc phim, vừa để thăm tôi.

Bốn cô khệ nệ mang nhạc khí đựng trong những cái étui theo. Cô nào cô nấy mặc áo dài Việt Nam. Ái Nhi gẩy đàn bầu. Đàn bà, thiếu nữ, bây giờ, chơi đàn bầu, và mê nghệ thuật đàn bầu, không như đàn bà, thiếu nữ, thời xưa. Ca dao đàn bầu đã lỗi thời chăng?

Đàn bầu khéo gẩy thì nghe

Làm thân con gái chớ mê đàn bầu.

Đàn bầu lãng mạn vô cùng. Con gái mê đàn bầu sẽ cùng người chơi đàn bầu đi hết nẻo đường gió bụi. Con trai mê đàn bầu thì sao? Ca dao không nói tới, và đời nay, con gái gẩy đàn bầu mặc kệ con trai xúc động từng thớ thịt.

Đàm Hoa kéo nhị. Ca dao diễn tả:

Nhị kia réo rắt ngân vang

Làm xao xuyến khúc xự xang xê hồ.

Bản nhạc Việt Nam nào thiếu năm nốt hồ xự xang xê cống? Hò xự xang xê cống đã xao xuyến lòng người, khi tiếng nhị rung lên. Tôi nhớ lại, đã thấy 36 năm cũ, mình ca ngợi đàn bầu và nhị trong truyện ngắn “Bóng mây kỷ niệm… ” Sau mỗi cuộc rượu tàn, bác Nhị không quên rủ cha tôi sang nhà bác hòa đàn. Tôi lẽo đẽo theo sau, xách giùm cha tôi cái nhị. Dưới bóng mát của giàn hoa lý gần cầu ao, cha tôi trịnh trọng so giây nắn phím.

Tiếng đàn nguyệt rung lên, tiếng đàn nghệ sĩ tặng nghệ sĩ thì còn chê vào đâu được nữa! Sao tôi vẫn không thấy cảm? Tai tôi nghe nhạc, mà mắt tôi cữ mải nhìn lũ chim chào mào líu ríu mổ sung chín. Và, lẫn vào âm hưởng của cây đàn nguyệt, tiếng sung rụng lõm bõm dưới nước, tiếng ve sầu rên rỉ giữa trưa hè. Cùng một lúc, tôi nghe cả ba thư âm nhạc. Bản đàn nguyệt dứt, cha tôi kéo nhị, trong khi, tôi vẫn mơ màng ngắm chim chào mào mổ sung. Đến khi chim bay đi, tôi mới kịp để ý đến cha tôi. Người có vẻ khác lúc thường, nét mặt biến đổi từng giây phút. Tiếng nhị êm êm, dịu hiền như mầu hoa lý, đôi khi réo rắt, réo rắt mà không dâm dật, réo rắt chỉ làm lòng ta phấn khởi say sưa. Thỉnh thoảng, âm thanh trầm lắng, đẹp như câu ca dao thoát ra từ đôi môi thôn nữ xuân thì. Sao tai lôi vẫn còn nghe rõ tiếng cu gáy đằng xa? Tôi muốn hỏi bác đồ Nhị nhưng bác tôi đang lim rim đôi mắt ra chiều say mê tận hưởng tài nghệ của cha tôi, một nghệ sĩ bình dân đã từng làm rung động bao nhiêu người Ở bao nhiêu chân trời Có trăng Có lúa. Bản nhạc dứt, âm thanh loãng dần. Cha tôi lấy khăn lau mồ hôi đổ rồi hỏi bác Nhi:

– Thưa bác, bác nghe tiếng đàn em dạo này thế nào?

– Kém ngọt hơn mấy năm về trước. Chú ít luyện tập?

– Vâng. quả có thế, lâu nay em bỏ đàn địch. Bác tính từ ngày em tạm nghỉ đời giang hồ đến giờ, có khi nào tâm hồn em thanh thản đâu.

– Phải rồi, tâm hồn mà vướng mắc, tiếng nhạc nghe nặng nhọc lắm, khó thoát lên được. Chú thử nghe tôi dạo khúc đàn bầu xem sao.

Nói dứt câu, bác đồ Nhị cởi phăng áo, để mình trần, với cây đàn bầu. Cây đàn của bác cổ kính quá chừng. Tôi nhớ rõ ràng, nó bẩn lắm. Màng nhện chăng đầy. Ở dưới đáy, bụi phủ kín mặt đàn. Miếng tre để gẩy đã sạm mầu đen, đồ lên giây mọt ăn vào quá nửa. Bác tôi nhè nhẹ vặn giây. Bác lấy miếng giẻ vuốt sợi giây sắt, rồi bắt đầu khởi nhạc. Tiếng đàn bầu dìu ngân khoan thai thánh thót. Trời bỗng như nhiều gió hơn, và không gian chừng dễ thở quá. Đàn bầu, ồ, chỉ có một sợi giây thôi, linh cảm phức tạp nhất của con người gửi gấm cả vào đấy. Tay phải làm cho phát ra âm thanh, tay trái lựa sao cho nét nhạc hoa mỹ, tuyệt vời. Ngồi khom lưng, một chân đè lên thành đàn, người bác nghệ sĩ của tôi thay lời nói lên tình trời đất. Tâm tư bác vướng trên giây, hình ảnh tối tăm hiện tại biến đi, chỉ còn thế giới âm thanh lắng vào mênh mông, vô tận. Tiếng đàn khi nũng nịu như cô gái mới lấy chồng, tha thiết như tình mẫu tử, rạo rực như lòng thiếu nữ dậy thì, và băn khoăn như giấc mộng nửa đêm. Mặc cho mấy chú muỗi bám vào lưng, bác đồ Nhị đăm đăm thả hồn theo âm nhạc. Tiếng đàn cơ hồ gió ngàn, lúc dâng lên ta tưởng có trận phong ba chớm dậy trong lòng, xui ta giận dỗi, hờn oán. Lúc dịu đi, ta trạnh nghĩ một hoàng hôn nắng vàng thoi thóp. Âm hưởng bay vút lên khơi như nước thủy triều dâng bao la, bát ngát. Ta tưởng chừng tình đời đơm nở ngát thơm mùi lúa chín được mùa, đẹp hơn cả môi hồng trinh nữ. Tiếng đàn lắng xuống trầm trầm, im lặng, cô quạnh khao khát yêu đương, buồn như khách giang hồ lỡ chuyên đò ngang, hoang mang như mối tình đầu thất vọng. Và, ta cảm động không ngăn kịp lệ rơi. Sao giọng con ve sầu, lời con cu gáy vắng bặt? Âm nhạc quê hương nhiệm mầu đuổi chúng bay xa rồi chăng? Hay chúng võ vàng nín thinh để hớp lấy những phút giây thiêng liêng vạn kỷ? Trong tôi, lúc ấy, mới hoàn toàn thấu đượm âm thanh, tuy trước khi bác Nhị rung tơ lòng, con bé hàng xóm ru em to quá, tiếng võng kẽo kẹt càng to hơn. Tiếng đàn của tay lão tài tử đã cảm hóa được tôi bấy giờ, và cả bây giờ nữa. Cung đàn ngừng lại. Tôi thấy còn giang dở, còn thiếu một cái gì khó nói. Bác tôi cũng nghĩ vậy, bác ngồi mơ màng hối tiếc. Thế nào bóng kỷ niệm chả rủ nhau về gõ cửa tim bác, khi tiếng đàn xa khơi. Lúc lâu, bác rời đàn buông tiếng hỏi:

– Chú nghe thế nào?

– Dạ, tiếng đàn của bác tuyệt diệu, có một không hai trong thiên hạ.

Bác tôi gật đầu sung sướng:

– Đánh đàn cần phải tự do, chú ạ? Hồn tài tử như mây trôi, như nước mưa giữa trời theo nhịp thở của trái tim ta, không có sức mạnh nào lái lòng ta được. Này chú…

– Dạ.

– Ta đàn tặng tri kỷ tiếng mới ngọt thế đấy. Chứ, cũng lại vì miếng đỉnh chung của thời đại nhố nhăng này, mà mặc quần áo đẹp, ngồi trên ghế khảm xà cừ, rung tơ lòng cho bọng vương giả nghe thì tơ lòng đến đứt quãng tứ tung mất thôi.

-Thưa bác, đàn bầu vốn dĩ…

-Là loại khó. ừ, đàn bầu khó chơi nhất, nó cũng như nhị ấy, không có phím để mà phân biệt. Lại nữa, mình hiếm sách dậy, nên rồi nó sẽ mai một như cánh áo the lương, như cái khăn xếp, như đôi giầy Gia Định, hay như… cái khố y. Tội nghiệp người bình dân, người quê hương sẽ mất mát kho tàng giá trị”…

Thụy Anh thổi sáo. Ca dao diễn tả:

Sáo ơi buồn quá đi thôi

Không vui lên để tình tôi lỡ làng

Cây sáo ống tre trúc thổi ngang dùng hơi thở để nói lên tư tưởng của mình. Cổ nhạc nước ta hiếm phong cầm, càng hiếm… hơi cầm! Có lẽ, chỉ có một thứ kèn: kèn đám ma. Kèn thổi ở nơi ma chay. Nó bất hủ hòa tấu với trống cơm, nửa đêm mùa Đông. Có lẽ, chỉ có một thứ sáo; sáo thổi ngang. Cây sáo này, Thế Lữ đã bùi ngùi, cảm xúc trong Tiếng dịch tuyệt vời.

Tiếng địch thổi đâu đây

Cớ sao mà réo rắt

Lơ lửng cao đưa tận lung trời xanh ngắt.

Mây bay gió quyến mây bay

Tiếng vi vút như than van như dìu dặt

Như hắt hiu càng hơi gió heo may…

Thế Lữ cảm xúc thêm, trong giấc mơ lên thiên thai, gặp bên rừng thổi sáo một hai kim đồng. Tiếng vui ra sao, tiếng buồn thế nào…

Theo chim tiếng sáo lên khơi

Lại theo giòng hạc bên người tiên nga

Khi cao vút tận mây mờ

Khi gần vắt véo bên bờ cây xanh…

Cây sáo duy nhất của nền cổ nhạc Việt Nam đấy. Phục chưa? Quỳnh Dao chơi đàn tranh. Ở quê hương miền Bắc của tôi, cũng có thứ đàn gọi là đàn tranh. Nó ngắn hơn đàn nguyệt hai giây. Thưở còn bé, tôi coi đàn tranh hôm nay là đàn thập lục, mười giây. Đàn tam thập lục, ba mươi giây. Bên Trung quốc sẵn hai loại đàn này. Họ chơi y hệt người Việt Nam chơi. Tôi đã tận mắt xem ban nhạc hát chèo, ban nhạc đình đám, chẳng hề. Thấy đàn thập lục trong ban nhạc. Cho nên, tôi không hiểu đàn thập lục của Tầu hay của Ta. Và, nó xuất hiện ồ ạt vào năm nào, cả hai miền Bắc và Nam. Nhưng, hôm nay, người ta bảo đàn tranh (thập lục) là nhạc khí của cổ nhạc Việt Nam, tôi đành nghe theo, trong ngờ vực. Vì, ca dao không nói đến đàn thập lục!

Cô Ái Nhi, đàn bầu; Cô Đàm Hoa, nhị; Cô Thụy Anh, sáo; Cô Quỳnh Dao, đàn tranh. Bốn nghệ sĩ cổ nhạc sẽ hòa tấu khúc nhạc làm cho phim Poussières de vie Bụi đời, báo Le Monde viết buidoi – Sau những thủ tục tiếp đón lỉnh kỉnh, các cô mở nắp étui lôi nhạc cụ ra, so giây nắn phím. Tôi lấy cái máy cassette chuẩn bị thu tiếng nhạc của tài tử miền Bắc nước Việt Nam.

Chơi xong khúc nhạc cổ điển sáng tác cho phim ảnh, các cô quên hỏi tôi có hài lòng chăng. Thấy cảnh tượng vui vui, Cô Quỳnh Dao cao hứng:

-Anh thích thơ không?.

-Thích chứ.

-Thơ Đường cơ?

-Tôi mê lắm.

-Em ngâm bài của Trương Kế nhé? Rồi, em ngâm bài dịch của Tản Đà luôn.

-Cô biết tiếng Quảng Đông chứ?

-Em biết.

-Ngâm thơ Quảng nữa

-Vâng.

Cô Quỳnh Dao dạo đàn tranh. Các cô đàn bầu, nhị, sáo chỉ chơi nhạc đệm, đi rất nhẹ. Cô Quỳnh Dào tay đàn miệng ngâm.

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự

Dạ bán trung thanh đáo khách thuyền

Vụt loọc vú thầy sương mũn thín

Cúng phóng dùy phổ tối sầu mìn

Cú sầu sình ngồi Hồn Sán chỉ

Dề pún chúng sinh tâu hạc xuỳn

(Chứ) Trăng tà chiếc quạ kêu sương

Lửa chài gợi ánh sầu thương giấc hồ

(Chứ) Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe
tiếng chuông chùa Hàn San

Cô Quỳnh Dao ngâm tiếp bài Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu.

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ

Thử địa không du hoàng hạc lâu

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản

Bạch vân thiên tải không du du

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu

Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Và bài dịch của Tản Đà.

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu

Mà nay hoàng hạc riêng lầu còn trơ

Hạc vàng đi mất từ xưa

Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay

Hán Dương sông tạnh cây bầy

Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non

Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Tiếng đàn ngừng. Giọng ngâm chấm dứt ngay. Cô Quỳnh Dao hỏi tôi:

-Được không anh?

Tôi đáp:

-Được. Cô biết một điệu chèo nào không?

Cô Quỳnh Đào vui vẻ:

-Biết, biết.

Tôi dục:

– Cô hát thử coi.

Đàn địch vang vang.

Ba mươi tết tết lại ba mươi

Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú Khách

Một tay cô cầm dù rách

Một tay cô xách cái chăn bông

ra đứng bờ sông

gọi tên người

Ới chú Chiệc ơi là chú Chiệc

Một tay cô cầm quan tiền

Một tay cô cầm thằng bù nhìn

Cô vất xuống sông

Quan tiền nặng thì quan tiền chìm.

Bù nhìn nhẹ thì bù nhìn nổi.

Ới ai ơi của nặng hơn người

Rồi vỗ tay, khen ngợi:

– Hay lắm

Cô Quỳnh Dao trách khéo:

– Bây giờ mới thấy anh nói hay lắm. Tại sao thế anh?

Tôi cười:

– Ngót 45 năm, tôi không được nghe hát chèo, được ngắm người hát chèo, được nhìn những người xừ dụng nhạc khí chèo. Hôm nay, bất ngờ, ở Robinson, vùng ngoại ô Paris, cô Ái Nhi nầy đàn bầu, cô Đàm Hoa kéo nhị, cô Thụy Anh thổi sáo, cô Quỳnh Dao hát điệu nhạc dân tộc cho một mình tôi nghe, hỏi sao tôi nói hay lắm? Tôi đã cố nén xúc động, để khỏi phải khóc đấy thôi. Cô Quỳnh Dao chọn bài hát tuyệt vời. Quan tiền nặng thì quan tiền chìm, Bù nhìn nhẹ thì bù nhìn nổi, ơi ai ơi của nặng hơn người. Quê người, đồng tiền nặng. Quê nhà, đồng tiền nhẹ. Và, tình người nặng chĩu đôi vai chúng ta. Quê người, xác con người không quý bằng xác con vật. Cho nên, tôi bị bại chân liệt tay một cách cay nghiệt, vì những lý do vẩn vơ. Này, tôi muốn nghe điệu hát xẩm, các cô chơi được không?

– Được, được, anh ạ.

– Các cô chiều tôi một tí nhé?

– Chiều anh suốt đời chúng em...

– Cô hát bài Xẩm Chợ của Vô Danh.

Cô Thụy Anh hát, cô Đàm Hoa kéo nhị, cô Quỳnh Dao và cô ái Nhi ngồi im nghe.

Sông kia nước chảy đôi giòng

Đèn khêu hai ngọn anh trông ngọn nào.

Muốn tắm mát lên ngọn con sông Đào

Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh

Đôi tay vin cả đôi cành

Quả chín thì hái quả xanh thì đừng

Ba bốn năm nay anh ở trên rừng

Chim kêu vượn hót nửa mừng nửa lo

Xa chân lở bước xuống đò.

Gieo mình xuống sập còn lo nỗi gì

Gặp nhau thiên tải nhất thì

Tôi nhắm mắt lại, tưởng tượng ra một người mù lòa, tay kéo nhị, miệng hát Xẩm kiếm kế sinh nhai, ở bến đò, ở đầu chợ, ở góc đình… Thửa xưa hình như, nước tôi không có ăn mày. Người mù lòa hát xẩm cũng chẳng mở lờì van xin tiền phước thiện. Thi sĩ bình dân đã sáng tác thơ cho họ biểu diễn văn nghệ. Ai thấy họ hát hay, thì quăng tiền biếu họ. Người nghệ sĩ hát xẩm mù lòa vẫn giữ được tư cách. Đôi khi, thi sĩ dùng nghệ sĩ nói lên tâm trạng của mình. Thí dụ, đả kích Hàn mua, thi sĩ đã viết: “ông thì hàn, ông thì hàn, chứ ông hàn chảo hàn xanh hàn nồi”…, và nghệ sĩ hát xẩm đã phổ biến cùng hết khắp đất nước. Người hát xẩm ngày trước là cán bộ tuyên truyền bấy giờ. Tôi mở mắt nhìn cô Thụy Anh. Cô Thụy Anh mỉm cười, nhìn tôi:

– Em giống xẩm không anh?

– Hôm nay, hết xẩm rồi; bến đò, xó chợ buồn tênh. Thi sĩ sáng tác xẩm chợ, xẩm nhà trò cũng chết hết. Từ khi Tản Đà giã từ trần thế, xẩm tự tử đồng loạt. Tôi cố hình tưởng, cô giống xẩm y hệt, Cô làm sống lại thời đại đã mất tích trong mù khơi, bằng nghệ thuật hát xẩm của cô và cái nhị của cô Đàm Hoa nghe muốn đứt ruôït. Tôi muốn một thứ nữa.

– Gì anh?

– Cô nào thuộc thơ Nguyễn Bính?

– Em, cô Đàm Hoa nói.

– Thơ Nguyễn Bính lục bát?

– Em thuộc nhiều.

– Bài thơ mới nhất, trước khi Nguyễn Bính lìa đời.

– Vâng, Tỉnh giấc chiêm bao.

– Cô ngâm đi.

Cô Quỳnh Đào đàn tranh, cô Thụy Anh thổi sáo, cô Ái Nhi gẩy đàn bầu.

Chín năm đốt đuốc soi rừng

Về đây ánh điện ngập ngừng bước chân

Cửa xanh màn trúc còn ngăn

Góc tường vẫn đọng trăng xuân thưở nào

Làng xa bản nhỏ đèo cao

Gió bay tà áo chiêm bao nửa chừng

Anh về luyến núi thương rừng

Nhớ em đêm sáng một vùng thủ đô

Bồi hồi chuyện cũ năm xưa

Gặp nhau lần cuối trang thư lệ nhòa

Thư rằng thôi nhé đôi ta

Tình sao không phụ mà ra phụ tình

Duyên nhau đã dựng trường đình.

Mẹ em đã xé tan tành gối thêu

Trăng khuya sang núi gươm đèo

Anh đi thư vẫn nằm theo bên mình

Lửa sàn nét chữ chênh chênh

Nếp thư đến rách chưa lành vêt thương

Đằm đằm hoa sữa lên hương

Chân anh đương bước giữa đường cái đây

Néo hồ song cửa lá bay

Sáng trưng bóng dạng bao ngày yêu xưa

Trăm năm đã lỡ hẹn hò

Cây đa bến cũ con đò còn không

Tình cờ gặp giữa phố đông

Em đi ríu rít tay chồng tay con

Nét cười âu yếm môi son.

Áo bay nhắc buổi trăng tròn sánh vai

Chín năm bão tối mưa ngày.

Nước non để có hôm nay sáng trời

Em đi hạnh phúc hồng tươi

Anh nhìn tận mắt cuộc đời đẹp sao

Sắc hương muôn nẻo tuôn trào

Tiếc mà chỉ ước chiêm bao một mình

Anh về viết lại thư anh

Để cho bến mát cây xanh đôi bờ

Cho sông cho nước tự giờ

Chẳng còn lỡ chuyện con đò sang ngang

Lứa đôi nhưng bức thư vàng

Chẳng còn chữ chữ hàng hàng lệ rơi

Chim hồng chim nhạn em ơi

Trên nền gối cưới đời đời yêu nhau

– Cô Đàm Hoa làm 9 năm kháng chiến chống Pháp Nguyễn Bính ê chệ hơn. Ông ấy chết ở quê nhà?

– Vâng, ở Nam Định, quê em.

– A, Cô người cùng quê hương Nguyễn Bính.

– Ông ấy chết năm 48 tuổi.

– Nguyễn Bính không nên sống lâu hơn. Có cô nào thuộc ca dao không?

– Có em.

– Có em

– Có em

– Có em

– Bốn cô đều thuộc ca dao, nhất đấy nhé! Cô Quỳnh Dao đã hát chèo, cô Thụy Anh đã hát xẩm, cô Đàm Hoa đã ngâm thơ Nguyễn Bính, tôi mời Cô Ái Nhi ngâm ca dao.

– Vâng, anh thích bài nào?

– Vì nhớ mà buồn

– Em ngâm bài ấy.

Ba cô dạo nhạc cho một cô về với ca dao.

Đêm qua ra đứng bờ ao

Trông cá cá lặn trông sao sao mờ

Buồn trông con nhện giăng tơ

Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai

Buồn trông chênh chếch sao Mai

Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ

Đêm đêm tưởng giải Ngân hà

Chuôi sao Tinh Đấu đã ba năm tròn

Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn

Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ

Buồn và nhớ quá. Cô Ái Nhi bắt người đã chết về với người đang sống cùng nhớ vì buồn, cùng buồn vì nhớ. Các cô đã tung hê chút nghệ thuật cho tôi thưởng thức. Cảm động lắm. Bây giờ, tôi tắt máy cassette đi, cho trở lại từ đầu. Để các cô uống trà nóng thưởng thức tài nghệ của chính mình. Mời các cô dùng trà Trà Ninh Thái ướp sen đó. Quan phủ Thái Ninh uống trà Ninh Thái. Trà Ninh Thái đã đi vào câu đối, làm vẻ vang phủ Thái Ninh. tỉnh Thái Bình.

– Nó đang nổi tiếng ở Paris..

– Không đâu, ít người Việt Nam uống trà Ninh Thái, và ít người ở phủ Thái Ninh gửi trà miền Bắc sang cho người Việt Nam ở Paris.

Tôi mở cassette cho to to một chút. Im lặng. Chúng tôi uống trà, nghe nhạc phim, nghe thơ Đường, nghe hát chèo, nghe hát xẩm, nghe thơ Nguyễn Bính, nghe ca dao.

Hết bài ca dao, chương trình văn nghệ chấm dứt. Các cô yêu cầu tôi phê bình cuốn cassette thu tài nghệ của các cô.

– Tôi đã đọc báo Hànội, thành phố Hồ Chí Minh, người ta khen các cô không để đâu hết. Cần gì tôi phê bình nữa!

– Thưa anh, chúng em ngoài 30 tuổi rồi, đã lớn rồi, nên thẩm thấu lời cổ nhân: Kẻ nào khen ta đúng, là bạn ta: Kẻ nào khen ta sai, là thù nhân của ta. Kẻ nào chê ta là bọn đố kỵ, ghen ghét ta. Kẻ nào chê ta đúng là bậc thầy của ta. Chúng em đã có nhiều bạn, nhiều kẻ thù, nhiều kẻ đố kỵ Vẫn thiếu một bậc thầy. Mong anh,vì nghệ thuật, vì chúng em đáng hàng con cái anh, phê bình giùm.

– Các cô đừng đặt vấn đề con cháu, anh em vào lãnh vực nghệ thuật. Tôi xin coi các cô là những người ít tuổi, đi sau tôi. Còn phê bình thiên hạ, từ ngày tôi bị thân bại danh liệt, thề rằng, không thèm hé môi nói chuyện ấy nữa.

– Tại sao vậy?

– Vì phê bình đúng đắn, chỉ mang lại nhiều kẻ thù. Phê bình, hiểu theo chữ nghĩa của thời đại, là bốc thơm tận mạng, là chẳng còn chỗ nào để chê. Tôi không làm được việc khen ngợi trái với lòng mình như thế. Phê bình, theo tôi, là khen và chê; không khen láo, chê láo. Người phê bình phải biết cảm thông với người làm nghệ thuật muốn họ tiến xa, tiến sâu, hay dài, hay rộng, chứ không đả kích họ vô tội vạ, khen họ cho sướng miệng.

– Anh cứ phê bình chúng em đi, không ngại làm mất lòng chúng em đâu. Người làm nghệ thuật ví mình như tấm da thú căng ra, để chịu đựng những mũi tên phê bình, dù phần đông những mũi tên tẩm thuốc độc. Cần gì, chỉ một mũi tên chứa đựng lẽ phải và sự thật, sẽ bắn những mũi tên tẩm thuốc độc tan biến.

– Thật ư?

– Chúng em đem danh dự của tuổi trẻ ra thề.

– Tôi nhận xét tài nghệ của các cô, theo ý của riêng tôi. Theo tôi, các cô biểu diễn nghệ thuật đã tới, nhưng ra tới cái đích của nghệ thuật. Trước hết, nói về nhạc khúc cô Quỳnh Dao sáng tác cho phim Poussières de vie, cộng tác theo tiểu thuyết la colline de Fanta của tôi. Tôi không hân hạnh chút nào về tiểu thuyết của mình lên màn ảnh Pháp. Tôi ký hợp đồng với nhà xuất bản, lg thời, ký luôn hợp đồng sách của tôi sẽ được lên n ảnh với nhà xuất bản. Nhà Belfond ký với hãng m 3 B Productions. Tác quyền chia đôi, nhà xuất bản một nửa, tác giả một nửa. Tiền đặt cọc, hãng phim 3 B Productions đưa cho nhà Belfond, nhà Belfond nghiến y một nửa. Mới hay, nhà xuất bản ăn từ đầu đến đít nhà văn! Hãng phim 3 B Productions đã về Việt Nam chọn đất, và tài tử Việt Nam để quay phim Poussières de vie. Họ thất bại chuyện Việt Nam. Tôi cũng chán chuyện Việt Nam. Năm ngoái (1993), 3 B Productions phải quay ở Mã lai, tài tử Mã lai. Truyện không dính líu về Việt Nam nữa. Tài tử nhóc con Việt Nam không có trong phim Việt Nam! Cô Quỳnh Đào được 3 B Productions thuê làm nhạc cổ điển Việt Nam, chơi ở phim Việt Nam, do người Pháp thực hiện, người Mã Lai diễn xuất, tôi không có ý kiến gì về bản nhạc của cô ấy. Nhạc hay hoặc không hay, tôi chẳng lưu ý. Cô Quỳnh Dao có buồn, tôi đành chịu lỗi.

Nhấp một ngụm trà Ninh Thái, tôi tiếp:

– Nhưng, tôi lưu ý nhất hai bài Đường thi của Trương Kế và Thôi Hiệu, mà cô Quỳnh Dao đã diễn tả. Cô Quỳnh Dao, chắc chắn, không biết bến Cô Tô, chùa Hàn San, sông Hán Dương, bãi Anh Vũ ở đâu, bên Trung quốc. Cô đã biết, phải biết bến Phà Đen, sông Nhị Hà, ở Thăng Long, thủ đô Hà nội, Việt Nam, nơi có Tôn Sĩ Nghị bỏ cả ấn tín chạy trốn, nơi có hàng vạn quân xâm lược Mãn Thanh máu đỏ ngập sông Nhị Hà. CÔ đã biết phải biết bãi Phan Lương, sông LÔ ở Việt Bắc, nơi có đầy tầu Pháp bị bắn chìm, nơi có hàng ngàn xác thực dân Tây trôi lêu bêu. Bỏ những cái mình đã biết, nghĩ về những cái mình chưa biết, thật là lỗi lầm lớn. Tại sao mình phải ca ngợi Đường thi? Tại sao mình phải ngưỡng mộ bến Cô Tô, chùa Hàn San, bãi Anh Vũ, sông Hán Dương? Tại sao mình phải vọng tưởng nòi Hán? Tại sao mình phải suy tôn thờ Trung quốc? Nước mình, dân tộc mình có bao nhiêu thi sĩ bình dân và bác học. Nước mình, dân tộc mình có 4000 năm ca dao, lấy đấu đong hàng đời chưa hết. Âm nhạc cổ điển Việt Nam, âm nhạc dân tộc Việt Nam, nhạc khí cổ nhạc Việt Nam, tài năng cổ nhạc Việt Nam lại chơi thơ Tầu, thì buồn cười biết mấy, chua xót biết mấy! Rồi đây, sẽ chơi thơ Pháp, thơ Nhật, thơ Nga, thơ Mỹ...

Cô Quỳnh Dao chớp mắt thật mau:

– Em biết cái lầm lẫn ấy.

Tôi nói:

– Phê bình các cô, tôi muốn đọc đoạn văn ở Bóng mây kỷ niệm: “Diễn tả bản nhạc là một nghệ thuật siêu đẳng. Người tài tử lúc ngồi nắn phím so giây, thì hoàn toàn sống với tâm tư. Ảnh hình ngoại giới, lúc ấy, mờ đi để chỉ thấy hiện trước mắt mình chân trời bao la nghệ thuật gói ghém tình thương yêu, lòng bác ái. Người tài tử càng rung cảm bao nhiêu, chân trời siêu đẳng càng rộng mở bấy nhiêu. Cho nên, có thể; nghe tiếng đàn mà đoán tâm tính người chơi. Như đứa vũ phu thì tiếng đàn yếu ớt, loãng dần. Người mẫu mực thì tiếng đàn thong thả, đều đều. Người hào hoa thì tiếng đàn phóng túng, buông trôi. Người có tâm hồn tranh đấu thì tiếng đàn thôi thúc, vội vã. Người mang tâm sự thầm kín thì tiếng đàn mung lung, huyền bí. Tất cả những hạng người kể trên, đều không phải là tài tử. Người tài tử khác hẳn. Tiếng đàn rung lên, thính giả có thể khóc, có thể buồn, có thể yêu thương, có thể giận dỗi, có thể oán hận, hay ray rứt, đứng ngồi không yên. Muốn luyện ngón đàn như thế, tất phải sống, phải đi nhiều, phải mang tuổi trẻ mua lấy chua cay, khinh bỉ của thế nhân, để biết khóc, biết cười, biết oán hận, biết yêu thương, thì mới hòng làm cho người khác khóc, cười, yêu thương, oán giận, ghen hờn. Nhưng đời nay, cái đời kim tiền khốn nan này, đã làm hồn tài tử lịm chết, làm tai nhân thế điếc đi rồi”!…Các cô thấy thế nào?

– Chúng em mới chỉ là nhạc công, chưa được là tài tử.

– Các cô sẽ là tài tử

– Làm cách nào?

– Chưa suy nghĩ, chưa chịu khó suy nghĩ đấy thôi. Quỳnh Dao hát chèo để mà hát chèo thôi. Nếu cô biết tâm sự của tác giả gói ghém trong điệu chèo; tiếng đàn sẽ trách móc gay gắt, tiếng hát sẽ giận hờn khôn nguôi, người nghe sẽ băn khoăn, tức tối. Đấy là điểm thành tài tử. Như cô Thụy Anh hát điệu Xẩm Chợ, không nghĩ hát xẩm đã biệt hương, không bao giờ hồi hương nữa. Hát với giọng hoài cổ, hoài xẩm tha thiết, não nùng. Đàm Hoa với tiếng nhị man mác, nuối tiếc; người nghe tưởng chừng mình gặp lại người mù hát xẩm ở ngày nào đó xa xôi. Đấy là điểm thành tài tử. Như cô Ái Nhi ngâm bài ca dao Vì nhớ mà buồn, không mà buồn, và nỗi buồn đi đâu. Tôi xin nhắc các cô một đoạn văn viết về Vì nhớ mà buồn: “Nhìn dưới nước, cá thương cảm nỗi gì, lặn sâu hun hút. Nhìn lên bờ, nhện chờ mối ai, hiu hắt giăng tơ. Nhìn lên trời, sao nhớ nhung chuyện chi, mờ nhạt đi thế. Con người vụt buồn tênh, nhớ đến cảnh vật, nhớ đến loài vật, nhớ đến tinh tú. Không nhớ tới mình. Đêm nào cũng như đêm qua, đứng ở ở bờ ao ngắm cả Ngân Hà hình tưởng thiên thai. Rồi, nỗi buồn của con người tan loãng vào hư vô. Con người vẫn là con người lòng dạ còn nguyên, chẳng giống đá mòn vẹt kinh khủng, vì suối Tào Khê nước chảy vun vút. Nghĩ một chút đi, ai vì nhớ mà buồn? Không mình cũng chẳng ta. Không chàng cũng chẳng nàng. Không em cũng chẳng anh. Thế thì tiếng ai sang sảng bên bờ ao, đêm qua? Tiếng nói dân tộc đấy. Và, tiếng nói ấy, từ sâu trong lòng đất phóng lên tỏa lan khắp vùng trời quê ta. Dân tộc quen ngậm nỗi buồn, chả bao giờ nói nỗi buồn. Qua những nghìn năm khổ tủi, dân tộc vẫn giữ tâm hồn nguyên vẹn”. Nỗi buồn siêu việt, ở trong ca dao. Ca dao không chỉ có những nỗi buồn, mà còn tình yêu, niềm vui, hạnh phúc… Nếu cô Ái Nhi ngâm ca dao, làm cho Vì nhớ mà buồn bay vào hư vô, cả cô cũng bay vào hư vô khoảnh khắc, thì đấy là điểm các cô trở thành tài tử.

– Anh là bậc thầy chúng em..

– Không, tôi chỉ là người thưởng ngoạn nghệ thuật của các cô. Làm bậc thầy, vĩ đại quá, tôi không dám. Theo tôi, cổ nhạc Việt Nam phải gắn liền với điệu ca dân tộc. Hát chèo, hát quan họ, hát cò lả, hát trống quân, hát vọng cổ, hát xàng xê, hát thủ phong nguyệt… là những điệu hát của dân tộc. Tân nhạc không nên xử dụng nhạc khí cổ nhạc. Có thể, nhạc khí cổ nhạc chơi dân ca đúng nghĩa. Ca dao là nhất. Không thể thiếu điệu ngâm ca dao trong ban cổ nhạc của các cô. Thiếu ca dao, thiếu linh hồn dân tộc, các cô sẽ bơ vơ. Tôi ước mơ, sau này các cô sẽ sáng tác những đại trường ca cổ nhạc Trê cóc, Thạch Sanh Lý Thông, Phạm Công Cúc Hoa, Bích Câu kỳ ngộ…, sẽ phổ nhạc hàng ngàn bài ca dao, làm rạng danh cổ nhạc Việt Nam. Các cô phải yêu ca dao, phải hiểu ca dao. Ca dao sẽ đưa các cô từ cuộc phiêu lưu nghệ thuật này sang cuộc phiêu lưu nghệ thuật nọ. Các cô sẽ không bao giờ bị đào thải, nếu giữ ca dao làm gốc gác để tôn thờ. Tôi gởi các cô những lời nhắn nhủ thơm nồng tình nghĩa.

– Cảm ơn anh, chúng em cám ơn anh. Ba tháng sau, chúng em sẽ tặng anh cuốn cassette khác, ghi những bài hát chèo, hát xẩm, ngâm ca dao như hôm nay.

– Một cuộc thách đố?

– Coi như vậy, anh ạ! Thách đố và làm việc không ngừng.

Bốn nghệ sĩ cổ nhạc ra về. Họ khuất bóng. Tôi đã mường tượng Quỳnh Đào, Ái Nhi, Đàm Hoa, Thụy Anh sắp cùng nghệ thuật bước vào hư vô.

16-9-1994

 

Leave a comment