ttlan: CHA JEAN MAÏS tức NGÔ THÀNH MAI

Cha Jean Maïs tức Ngô Thành Mai :
cả đời giáo sĩ cho Việt Nam

Hôm nay 29 tháng 4 2019, tôi đang loay hoay trong nhà, mang tâm trạng trầm cảm của những tháng tư trước từ 44 năm nay, thì có chuông gọi cửa. Thiên Sơn, con trai nhà văn Duyên Anh ghé lại thăm mang cho tôi mấy cái bánh trứng vịt muối của vợ Sơn đặt đến cho tôi. Hai chị em ngồi trò chuyện, tôi mới hỏi Sơn đã điện thoại hỏi thăm sức khỏe Cha Maïs chưa. Nhanh quá, đã 2 năm qua rồi. Lần cuối gia đình Sơn và tôi đến thăm Cha Maïs là cũng tháng 4/2017. Lúc ấy thấy Cha đã già yếu, nhưng còn minh mẫn và vẫn làm việc trên máy vi tính trong văn phòng riêng tại Missions Étrangères ở Rue du Bac, quận 6 Paris, thì tôi cũng yên tâm. Cha rất vui khi thấy chúng tôi mang bánh giò, bánh cuốn lại biếu Cha. Chúng tôi báo tin là sắp ra sách ‘Danh Ná’ thì Cha mừng lắm và kể cho chúng tôi nghe rằng năm 1966 khi Cha đến Việt Nam lần đầu, có người đưa cho Cha mấy quyển truyện của tủ sách Dzũng Đa Kao để Cha học tiếng Việt. Cha kể lại một cách dỉ dỏm,

« Như cái duyên vậy, những cuốn sách cho trẻ thơ của Duyên Anh đã giúp tôi học và yêu tiếng Việt, rồi sau này tôi lại được dịch sách cho Duyên Anh ra tiếng Pháp(*). Các con phải tiếp tục bảo vệ kho tàng sách của Duyên Anh nhé. Tôi rất mừng là cuối đời ông Duyên Anh đã rửa tội vào đạo trước khi qua đời. Nhanh thật, đã 20 năm trôi qua rồi. Tôi cũng chỉ đợi không biết lúc nào Chúa gọi về thôi… »

Tôi có ngờ đâu, hôm nay khi hai chị em quyết định điện thoại hỏi thăm Cha thì được người ta báo tin là Cha đã qua đời giữa tháng 11, 2017, chỉ hơn sáu tháng sau khi chúng tôi đến thăm Cha. Chúa ơi, chúng con không thể ngờ được…

Một đời phụng sự cho Giáo hội Công giáo Việt Nam:

Linh mục Jean MAÏS (1935-2017): Việt danh Ngô Thành Mai

Sinh ngày 14/01/1935 ở Château-Salins (Moselle, Pháp), Jean Paul Félix MAÏS, đã được ơn kêu gọi từ khi còn bé để trở thành Linh mục. Được nhận vào chủng viện Missions Étrangères năm 1954, và phong chức Linh mục ngày 21/12/1961, Cha Maïs vẫn tiếp tục đi học và tốt nghiệp đại học Sorbonne về Văn chương cổ điển, trước khi được gửi đến Nha Trang ngày 01/09/1966 trong nhiệm vụ đi truyền giáo và dạy học.

Khi đặt chân đến Việt Nam, Cha Maïs đã học tiếng Việt ở Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy trong hai năm. Rồi sau Cha dạy Pháp ngữ ở trường đại học Công Giáo Đà Lạt và cùng dạy Triết cho lớp tú tài Pháp ở trường trung học Adran ở Đà Lạt cho đến năm 1975. Dưới sự chỉ dạy của Cha Maïs, đã bao nhiêu các tu sĩ đã trở thành các vị chủ chiên ngày nay.

Tháng 4 năm 1975, Cha Maïs đang chạy xe máy thì bị quân cộng sản bắt. Sau khi miền Nam thất thủ, Cha bị đưa đi cải tạo ở trại Rừng Lá và sau đó vào tù ở Bà Rịa cho đến tháng 4 năm 1976. Cha gầy gò ốm yếu đi rất nhiều khi ra khỏi tù, và bị trục xuất khỏi Việt Nam vào ngày 28/5/1976.

Khi trở về Pháp, đã có lúc Cha Maïs có ý định đi công tác mục vụ ở Nhật Bản. Nhưng theo ý kiến của Ủy Ban Trung Ương của dòng Missions Étrangères de Paris (MEP), Cha Maïs đã bỏ quyết định đi Nhật, ở lại Paris để xả thân lo cho những người tỵ nạn cộng sản Việt Nam lúc đó đang đổ về Pháp càng ngày càng đông. Đồng thời Cha Maïs cũng nhận công tác nghiên cứu tình hình tôn giáo dưới cộng sản nói chung, và hoàn cảnh giáo hội Công giáo tại Việt Nam nói riêng.

Cho những gia đình người Việt tỵ nạn cộng sản trong những bước đầu ở Pháp, sự hỗ trợ quý báu của Cha Maïs đã bao gồm rất nhiều phương diện cần thiết: Cha dạy tiếng Pháp, lo giấy tờ hành chánh, góp tay trong các phong trào lên tiếng xin trợ cứu người tỵ nạn hay lên tiếng cho dân Pháp ý thức về hiểm họa cộng sản ở Việt Nam.

Cha Maïs vốn là một người kín đáo, khiêm nhường, nhưng là một người uyên thâm về văn học, từng góp bài cho tập báo Échange France-Asie và làm việc cho văn phòng truyền thông Églises d’Asie (Giáo Phận Á Châu) của Missions Étrangères de Paris (MEP). Không những Cha Maïs hiểu biết sâu sắc về Việt ngữ, Cha lại nắm vững và phân tích tình hình Việt Nam một cách chính xác nên Cha đã trở thành một quan sát gia đáng tin cậy trong các vấn đề tôn giáo và công giáo ở Việt Nam.

Cha Maïs : Một nhịp của chiếc cầu đã được bắc qua bởi các giáo sĩ MEP từ 360 năm qua:

Cha Maïs đã tự chọn cho mình một tên Việt khi mới sang Việt Nam. Ngô Thành Mai, thể hiện sự hiểu biết tiếng Việt và cá tính thích chơi chữ của Cha. Sở dĩ họ của Cha, ‘Maïs’ có nghĩa là bắp ngô, mà họ Ngô lại rất thông thường ở Việt Nam, Cha đã chọn ‘Ngô’ làm họ. Khi Cha đến Việt Nam, mọi người đều phiên âm tên Cha là ‘Mai’, nên Cha giữ lại cái tên gọi đó. Và từ đó Cha Maïs (Ngô) đã (trở) thành Mai, tức Ngô Thành Mai là thế. Cũng về vấn đề ngôn ngữ học, năm 1977, Cha Maïs đã ấn bản một luận án “Morphologie et Structuration Générale des Référents Personnels en Vietnamien (Tên họ, cách gọi và đặt tên ở Việt Nam)“, nxb Inalco.

Là một người có tính tình khiêm tốn, cả đời Cha Maïs đã biểu hiện cho sự sống cho đức tin, để phụng sự Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Một người làm việc không biết mệt, cho đến những ngày cuối đời, Cha Maïs còn đăng bản tin loan báo sự bãi bỏ sắp đến của chính sách hạn chế ‘Cha Mẹ Tối Đa Hai Con’ cuối tháng 10/2017, vài ngày trước khi Cha phải vào bệnh viện nơi Cha trút hơi thở cuối cùng.

Đức Ông François Pallu, một trong những thành lập viên của dòng Missions Étrangères de Paris(MEP) 360 năm về trước, từng gọi
mỗi một giáo sĩ là “một nhịp của chiếc cầu đã được khởi đầu bắc nối giữa Đông và Tây”. Cha Maïs đã thật xứng đáng với cụm từ đó và nhiều hơn thế nữa trong lòng của những người học trò của Cha, đồng nghiệp của Cha, bạn tù của Cha, và tất cả những người Việt tỵ nạn cộng sản mà Cha đã từng giúp đỡ trực tiếp hay bán tiếp, trong số đó có gia đình nhà văn Duyên Anh, gia đình tôi và bao nhiêu gia đình khác…

Xin tất cả những ai từng biết đến Cha Maïs, tức Ngô Thành Mai, cùng tôi dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện để cám ơn Cha cho chúng ta, cho Việt Nam, trong tháng Tư đen này.

Chú thích:

(*) Cha Jean Maïs đã chỉ dịch ra tiếng Pháp: Một người Nga ở Sài Gòn : Un Russe à Saigon (1986).

Sau đó những tác phẩm sau đây được dịch bởi hai ông Ghislain Ripault và Pierre Trần Văn Nghiêm:

  • Đồi Fanta : La Colline de Fanta (1988)
  • Những Đứa Trẻ Thái Bình (Tập 1) : Les enfants de Thai Binh : Nostalgies Provinciales (Vol. 1) (1993)
  • Những Đứa Trẻ Thái Bình (Tập 2) : Les enfants de Thai Binh : Dans la tourmente (Vol. 2) (1994)
  • Những đa trẻ con Mỹ hẩm hiu : Les enfants qui rêvaient de traverser la mer (1999)

ttlan (29/04/2019)

Leave a comment