BỒN LỪA

7

TRƯA SÀI-GÒN LÀ MỘT BIỂN LỬA. Sân Hoa Lư ngập nắng. Nắng cháy cỏ non. Nắng thiêu nhiều mảng cỏ trên sân, chỉ còn lại cát trông y hệt những vết loang trắng ở lưng con bò vàng. Chương còm cởi áo, quấn lên đầu làm nón. Nó đứng giữa hai cột gôn. Ôi, hai cột gôn, sao mà cao thế ! Cái sà ngang mới dài chứ. Chương còm đã đứng trong sự cao, dài ấy với Bồn lừa và giấc mộng tung lưới Ba-tây của nó.

Bồn lừa mặc trần xì chiếc quần xà lỏn. Nó để đầu phơi nắng, trái bóng đặt cách gôn mười lăm thước. Bồn lừa chạy lấy đà trong khi Chương còm cong lưng, nhấp nhổm. Trái bóng tung cao vừa tầm. Chương còm nhẩy lên bắt gọn. Nó ném ra cho Bồn lừa. Thằng nhỏ lại đặt bóng chỗ cũ. Lần này nó sút sệt. Chương còm “bông nhông” chụp bóng. Cứ vậy, hai đứa trẻ tập sút, tập bắt, không thèm biết nắng gió.

Nửa tiếng sau, Dzũng Đakao, Quyên Tân-định, Tí điên, Tư chăn vịt, Bảo méo mồm, Tiến gầy, Sơn trán cao, Hưng mập, nhóc con Hùng đã lần lượt tới. Chúng nó chơi một gôn để Bồn lừa tập làm bàn và Chương còm, Hưng mập, Tí điên tập thủ thành. Quần thảo toát mồ hôi, mãi đến ba giờ chúng nó mới nghỉ.

Cả bọn kéo nhau đi tắm. Từ ngày được bố Chương còm cấy cây hy vọng vào tim, Bồn lừa say sưa luyện tập. Nỗi say sưa của nó quyến rũ luôn đội bóng của nó. Và Quyên Tân-định không còn mong muốn xách giầy cho Pelé hay làm mướn cho Tổng-cuộc Túc-cầu để được nhặt bóng ở các trận cầu quốc tế. Nó mơ ước hách hơn điều nó đã mơ ước.

Thỉnh thoảng, bố Chương còm ra sân Hoa Lư xem anh em Bồn lừa trau dồi nghệ thuật. Từ Dzũng Đakao đến Quyên Tân-định đều cảm thấy hãnh diện và tin tưởng chúng nó sẽ đá hay hơn Vinh, Quang, Tam Lang. Bố Chương còm “bao” đội bóng Bồn lừa giải khát và ăn mì. Đội bóng của Bồn lừa dần dần hết địch thủ. Bọn bán báo né, bọn đánh giầy chạy, bọn Thị-nghè kiềng. Mười một ông nhóc phải đi tìm địch thủ mới. Chúng nó hạ vài trường trung học tư. “Danh tiếng” đội bóng của Bồn lừa nổi như cồn trong thế giới túc cầu học trò.

Bồn lừa đem anh em qua Thủ-thiêm đá giao hữu. Chúng nó đã lãnh “cúp” mười một trái bưởi. Sang Chợ-lớn đấu với các trường tiểu học Tầu, anh em Bồn lừa được công kênh như các anh hùng. Bố Chương còm viết báo “thổi” đội bóng Bồn lừa. Bỗng nhiên, cả nước biết tiếng Bồn lừa. Những huấn luyện viên của Tổng-cuộc Túc-cầu bắt đầu chú ý đến chân cẳng của đám nhô con này. Người ta đồng ý rằng mỗi ông nhô là một thiên tài. Người ta còn đi quá đà để quả quyết mỗi đôi chân ông nhô đều gắn bó linh hồn trái bóng và mỗi tâm hồn ông nhô đều thu gọn sân cỏ và những chiến thắng tương lai.

Nhưng ngày tháng, dường như, quá chậm chạp. Bồn lừa chưa thấy nó lớn thêm tí ti ông lão nào. Nó buồn lắm. Bồn lừa buồn hay vui, bây giờ, nó thường tâm sự với bố Chương còm. Chỉ có bố Chương còm mới hiểu được nó. Nghe Bồn lừa thèm chóng lớn, bố Chương còm bảo nó:

– Câu này cũ rích lắm cháu ạ! Đó là câu “thiên tài là sự cố gắng không ngừng“. Cháu cứ cố gắng đi, rồi tự nhiên tài nó đến đúng tuổi cháu. Từ xưa, có ai làm nổi lịch sử trong khoảnh khắc đâu. Vua Lê Lợi đuổi quân Tàu phải mất mười năm cơ mà.

Bồn lừa lại thộn mặt ra. “Cố gắng không ngừng“, đội bóng của Bồn lừa cố gắng trên sức tưởng tượng của bố Chương còm. Bồn lừa muốn soi hình nó vào phiến đá thần. Ngày vờn bóng, đêm dệt mộng mơ. Bồn lừa sống thừa thãi tuổi thơ của nó, tuy bố nó nghèo. Biết mộng mơ thì chẳng bao giờ bị sự nghèo túng hành hạ mình. Biết mộng mơ làm đẹp cho quê hương thì lại chẳng có gì hành hạ nổi mình. Bồn lừa ơi, tao yêu mày quá, tao muốn yêu hàng triệu em bé Việt-nam như mày.

Giấc chiêm bao trưa nào của Bồn lừa mỗi ngày một rõ rệt. Nó nhớ nguyên vẹn. Và nó đã kể cho anh em nó nghe không thiếu một chi tiết. Giấc chiêm bao càng rõ rệt, Bồn lừa càng nóng lòng. Nó đâm ra sợ chết. Nó nghĩ nó mà chết chắc đội bóng Bồn lừa sẽ tan rã. Rồi lấy ai hạ Ba-tây, hạ tất cả các đội bóng vô địch trên thế giới ? Bồn lừa không dám băng qua đường vội vã, không dám uống nước lạnh, không dám ăn đá nhận… Nó sợ xe đụng què cẳng, sợ dịch tả. Bồn lừa hết ham tắm sông. Nó sợ chết đuối. Bồn lừa không thích đánh lộn. Nó sợ trầy xương. Bồn lừa sợ tất cả những lúc nó vắng mặt ở sân cỏ. Đời nó trao gửi cho sân cỏ. Nó muốn sống chết trên sân cỏ chứ không muốn chết ở những nơi khác. Mơ mộng hơn, nó ước ao khi nó chết, trời hóa phép nó thành trái bóng tròn của đội túc cầu Việt-nam vô địch thế giới. Để nó được viễn du đây đó, hãnh diện chung niềm hãnh diện của dân tộc Việt-nam. Bồn lừa đúng là đứa bé mơ mộng nhất nước. Không, nó mơ mộng nhất thế giới.

Chiều nay, Bồn lừa nghỉ bán bong bóng. Nó đến nhà Chương còm chơi. Bồn lừa thèm nghe được bố Chương còm khuyến khích lắm. Nhưng bố Chương còm đi làm phóng sự ở ngoài Trung. Chỉ còn ông nhô còm nhom. Hai đứa bé bàn tán những trận đấu nay mai. Rồi khi sắp hết chuyện nói, Chương còm bỗng vỗ vai Bồn lừa :

– Mày biết chuyện này chưa ?

– Chuyện gì ?

– Đội bóng rổ Hạc-lem ấy mà…

– Chưa. Mà bóng rổ tao không khoái. Ông khoái bóng tròn thôi.

– Hôm qua bố tao đem tờ báo Thao Trường về, bố tao bảo đem cho mày mỗi tuần một tờ để mày coi.

– Báo Thao Trường là báo gì ?

– Báo viết toàn tin thể thao. Ba-tây đá ở đâu, báo này thuật đầy đủ hết. Thao Trường là “trường” thể thao đó mày. Mày đọc sẽ khoái liền. Tao mới coi đã biết vô số chuyện thể thao. Ông “trộ” thằng Dzũng Đakao, nó lé mắt ngay tuýt xuỵt.

– Thế đội bóng rổ Hạc-lem ra sao ?

– Hạc-lem là khu vực của dân Mỹ đen tại thành phố Nữu-ước, Nơi đây nghèo khổ nhưng có đội bóng rổ xuất chúng của người da đen gọi là đội bóng rổ Hạc-lem. Mẹ, đội bóng này “chơi” hay đến nỗi không đội bóng nào trên thế giới dám đấu với nó . Thành ra, nó chỉ đi biểu diễn.

– Hay vậy cơ à ?

– Ừa, nó dư sức làm trái bóng nửa tiếng liền không rơi xuống đất. Nó múa may, luồn bóng qua chân như làm xiệc.

– Ác quá nhỉ!

– Nó biểu diễn cho Đức Giáo-hoàng coi.

– Chắc “ổng” khoái dữ.

– Ừa, “ổng” vỗ tay khen tuyệt cú mèo !

Bồn lừa lại đần mặt ra mơ mộng. Nó mơ đội bóng của nó sẽ xuất chúng như đội bóng rổ Hạc-lem. Thế giới đã viết về khu Hạc-lem thế nào, sẽ viết về khu Tân- định của nước Việt-nam giống thế. Và người ta cũng quen gọi đội bóng tròn của nó là đội bóng Bồn lừa. Đội bóng Bồn lừa hạ hết địch thủ, viễn du khắp gầm trời biểu diễn nghệ thuật nhồi bóng. Rồi đội bóng Bồn lừa sẽ biểu diễn cho Đức Giáo-hoàng coi.

– Tụi mình sẽ ác hơn, Chương còm ạ !

– Ác hơn ký gì ?

– Ác hơn tụi Hạc-lem. Mày thích không ?

– Thích là cái chắc.

– Đức Giáo-hoàng sẽ lác mắt.

– Tao muốn “ổng” rụng râu khi thấy tao trổ tài bắt bóng dính nhựa “mít sơ lanh “.

– Thôi mày, tội “ổng” chết. “Ổng” lác mắt là tụi mình hách rồi.

– Còn lâu, mày nhỉ ?

– Lâu quái gì. Bố mày bảo tài nghệ lớn dần theo tuổi. Hễ tụi mình mười tám tuổi là chúng nó biết tay tụi mình.

– Mời hội tuyển quân đội Anh qua gấp-

– Hạ nó một lô.

– Tặng Thụy-điển cái xe bò chở trứng vịt.

– Bọn Đại-hàn hay lấy thịt đè mình ở Á Vận-hội và giải Mẹc-đơ-ca sẽ tung lưới chúng đủ năm trái.

Hai đứa bé nắm tay nhau, đứng lên nhảy cỡn. Dường như, chúng nó đã lên tới ngọn núi. Một lát đú đởn, Chương còm hỏi Bồn lừa:

– Thằng Quyên Tân-định “bốc” mày chưa ?

– Lại uýnh lộn à ?

– Ủa, nó “tuyên chiến” với bọn nhô Mỹ.

– Tao không đánh lộn nữa.

– Mày sợ à ?

– Ừa.

– Tại sao mày sợ ?

– Ông phải giữ chân cẳng để làm lác mắt Đức Giáo-hoàng, chứ bộ !

Bồn lừa bồi tiếp một đòn :

– Với lại, bố mày khuyên chúng mình chỉ nên chiến đấu trên sân cỏ.

Chương còm tịt ngòi. Bố nó khuyên chẳng sai lầm bao giờ. Chương còm ưỡn ngực đầy xương sườn:

– Tao cóc đánh hộ con nhà Quyên Tân-định. Hì hì, nhỡ què tay, bắt bóng bằng chân à ? Hà hà hà… Ông khoái bắt bóng cơ.

Bồn lừa giục bạn.

– Mày đưa tao tờ báo Thao Trường đi!

Chương còm chạy lên lầu lấy tờ báo cho Bồn lừa. Con nhà trung phong này dở ngay trang tường thuật đội Santos của Pelé đấu với đội Madrid của Tây-ban-nha. Nó say sưa đọc từng chữ. Từ hôm đó, tờ báo Thao Trường bị gấp lại và hễ ra khỏi nhà là nó nhét tờ “trường dạy thể thao” vô cạp quần. Bồn lừa thực hiện đúng câu “văn ôn vũ luyện”. Đọc báo thể thao và tập dượt thể thao, Bồn lừa quên hẳn chuyện ngày rộng tháng dài. Như cây đu đủ, không ai nhìn thấy nó lớn cả. Bất chợt, vào đầu mùa hạ, cây đu đủ cao vượt lên, trổ hoa và hứa hẹn nhiều trái ngon khi những con ve sầu thôi rền rĩ.

—> 8

Leave a comment